ICT - Sáng ngày 26/10/2019, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Học viện chính trị khu vực I và một số trường đại học của Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo về “Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu KH&CN cấp quốc gia “Phát triển hệ thống logỉstics nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.
Tham dự Hội thảo gồm có PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền - Phó Hiệu trưởng; ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Giáo sư Daniel Thiel - Đại học Paris 13, Cộng hòa Pháp cùng các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam; giảng viên, sinh viên, học viên của 02 khoa: Kinh tế & Kế toán, Tài chính ngân hàng và Quản trị kinh doanh.
PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh mục đích của Hội thảo là nhằm tập hợp đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam và quốc tế đóng góp những giải pháp phát triển hệ thống logistics nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hội thảo sẽ là nơi để các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi học thuật và những kết quả nghiên cứu mới, thảo luận và xây dựng các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu nhằm tăng cường nội lực của khoa học Việt Nam, tạo danh tiếng trên diễn đàn khoa học quốc tế.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu
Hội thảo tập trung vào một số lĩnh vực chính: Nghiên cứu tác động của hệ thống logistics quốc gia và vùng lãnh thổ đến tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung/từng tỉnh trong vùng có ảnh hưởng đến việc phát triển hệ thống logistics; tiềm năng, lợi thế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung/từng tỉnh trong vùng và những vấn đề đặt ra trong xây dựng, phát triển hệ thống logistics. Đồng thời nêu ra những thực trạng và giải pháp xây dựng mô hình logistics cảng biển, phát triển cơ sở hạ tầng đến năm 2030 (đường bộ, đường biển, hàng không, đường sông, đường sắt, các trung tâm logistics, hệ thống cảng biển, cảng cạn...), dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển; hoàn thiện thể chế chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics, phát triển hệ thống các doanh nghiệp logistics, phát triển thị trường dịch vụ logistics, phát triển logistics xanh, đào tạo nguồn nhân lực logistics...
GS.TS. Đặng Đình Đào, Học viện Chính trị KV I
PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng, Học viện Chính trị KV I
Giáo sư Daniel Thiel - Đại học Paris 13, Cộng hòa Pháp
Hội thảo Quốc tế logistics, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, các tham luận của các đại biểu được chuẩn bị công phu, đầy tâm huyết phân tích các vấn đề phát triển hệ thống logistics quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ thúc đẩy niềm đam mê khoa học của những giảng viên, sinh viên, học viên và nhà nghiên cứu trẻ trong lĩnh vực logistics đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn tra trên thế giới./.
Chụp ảnh lưu niệm
P.D