
1. Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với việc ổn định tình hình chính trị, xã hội, chăm lo đời sống vật chất, kinh tế cho nhân dân cả nước nói chung, ở miền Nam nước ta nói riêng được đặt ra cấp thiết thì yêu cầu duy trì, củng cố, phát triển sự nghiệp giáo dục cũng cần phải giải quyết. Ngày 21/12/1977, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình ký Quyết định số 1842/QĐ về việc thành lập Cơ sở Đại học Sư phạm Quy Nhơn (trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Huế), có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cấp III theo kế hoạch, chương trình, quy chế, chế độ của Nhà nước và Bộ Giáo dục quy định.
Trong nửa năm đầu được thành lập, đội ngũ viên chức, giảng viên của Nhà trường còn mỏng, trong đó chỉ có một số là đảng viên nên tổ chức Đảng chưa được hình thành. Đến ngày 20 tháng 9 năm 1978, Đảng ủy Dân chính Đảng tỉnh Nghĩa Bình ra Quyết định thành lập Chi bộ lâm thời Cơ sở Đại học sư phạm Quy Nhơn, gồm có 16 đảng viên. Đồng chí Trần Đắc Danh - Đảng ủy viên Trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Ngày 26 tháng 10 năm 1978, Thường vụ Tỉnh ủy Nghĩa Bình ra Nghị quyết số 474/NQ/TU, chuẩn uy thành lập Đảng bộ Cơ sở Đại học sư phạm Quy Nhơn trực thuộc Tỉnh ủy Nghĩa Bình với số lượng 45 đảng viên chính thức và tạm thời chỉ định danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ gồm có 7 đồng chí, do đồng chí Trần Văn Thận làm Bí thư Đảng ủy. Sau gần 2 tháng thành lập Đảng bộ Cơ sở Đại học sư phạm Quy Nhơn, ngày 20 tháng 12 năm 1978, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghĩa Bình có Công văn số 1815/TC/TU, giới thiệu chuyển giao 23 đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ Trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình đến sinh hoạt tại Đảng bộ Cơ sở Đại học sư phạm Quy Nhơn.
Như vậy, trong vòng 3 tháng (20/9/1978 đến 20/12/1978) từ khi Chi bộ lâm thời ra đời đến Đảng bộ được thành lập, rồi tiếp nhận số đảng viên thuộc Chi bộ Trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình, tổ chức Đảng bộ cơ sở Đại học sư phạm Quy Nhơn không ngừng củng cố, hoàn thiện và phát triển. Với số lượng 68 đảng viên chính thức (không có đảng viên dự bị).
2. Từ khi ra đời đến 2020, Đảng bộ trường Đại học Quy Nhơn trải qua 15 lần đại hội. Đại hội lần thứ I (21/3/1979), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 9 đồng chí, bầu đồng chí Trần Văn Thận làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ II (30/9/1982), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 11 đồng chí, bầu đồng chí Trần Văn Thận làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ III (30/9/1984), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 11 đồng chí, bầu đồng chí Phan Đình Khảo làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ IV (vòng 1: 29/8/1986; vòng 2: 12/9/1986), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 13 đồng chí, bầu đồng chí Trần Văn Thận làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ V (9/12/1988), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 10 đồng chí, bầu đồng chí Phan Đình Khảo làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ VI (vòng 1: 9/3/1991; vòng 2: 18/10/1991), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 9 đồng chí, bầu đồng chí Phan Đình Khảo làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ VII (14/5/1994), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 6 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Minh Châu làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ VIII (31/12/1995), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 9 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Minh Châu làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ IX (27/6/1998), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 15 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Minh Châu làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ X (15/10/2000), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 15 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Văn Phú làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ XI (15/11/2003), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 15 đồng chí, bầu đồng chí Trần Tín Kiệt làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ XII (01/10/2005), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 15 đồng chí, bầu đồng chí Trần Tín Kiệt làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ XIII (30/10/2009), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 18 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Hồng Anh làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ XIV (05 - 07/8/2015), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 21 đồng chí, bầu đồng chí Đỗ Ngọc Mỹ làm Bí thư Đảng ủy. Đại hội lần thứ XV (09 - 10/7/2020), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 21 đồng chí, bầu đồng chí Đỗ Ngọc Mỹ làm Bí thư Đảng ủy. Đại
hội lần thứ XVI (09 - 10/6/2025), bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 21 đồng chí, bầu
đồng chí Nguyễn Quang Ngoạn làm Bí thư Đảng ủy.
3. Khi mới thành lập Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn trực thuộc Tỉnh ủy Nghĩa Bình, năm 1984 trực thuộc Đảng ủy Ban Tuyên Văn Giáo, năm 1988 trực thuộc Đảng ủy Ban Dân Chính Đảng và từ năm 1998 đến nay trực thuộc Tỉnh ủy Bình Định.
Từ khi ra đời ngày 20 tháng 9 năm 1978 với tên gọi là Chi bộ lâm thời Cơ sở Đại học sư phạm Quy Nhơn. Ngày 26 tháng 10 năm 1978: Đảng bộ Cơ sở Đại học sư phạm Quy Nhơn. Ngày 24 tháng 2 năm 1981: Đảng bộ Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn. Tháng 11 năm 2003: Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn có nhiều năm được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh và được các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen về các mặt.
4. Hiện nay Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn được công nhận là Đảng bộ được giao quyền cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy Bình Định ngày 02 tháng 5 năm 2013 tại Quyết định số 882-QĐ/TU.
Toàn Đảng bộ có 845 đảng viên, thuộc 25 chi bộ.
Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 21 đồng chí, Ban Thường vụ 07 đồng chí; Bí thư: đồng chí Nguyễn Quang Ngoạn, Phó Bí thư: đồng chí Đoàn Đức Tùng
Bộ phận tham mưu, giúp việc Đảng ủy có: Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Ban Tổ chức Đảng ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Đảng ủy và Văn phòng Đảng ủy.
5. Từ thực tiễn gần 50 năm xây dựng và phát triển, trải qua những biến động thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn đúc kết những kinh nghiệm quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể là:
Một là, việc tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Quán triệt sâu sắc những quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, phát huy trí tuệ của tập thể, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu; làm việc theo chương trình, kế hoạch, quy chế đề ra; chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, phát huy vai trò chủ động của chính quyền, nhất là cấp cơ sở.
Hai là, giữ vững sự ổn định về tư tưởng, chính trị, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Thực hiện dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch trong mọi hoạt động; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đảng viên, viên chức và người lao động; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước một cách thiết thực, hiệu quả.
Ba là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập, quán triệt, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; gắn việc học tập làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các phong trào thi đua yêu nước của ngành giáo dục và của toàn xã hội; xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, nhân văn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, giữ vững nề nếp, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động của Nhà trường.
Bốn là, thường xuyên đổi mới tác phong, lề lối làm việc, phương thức lãnh đạo, đặc biệt chú trọng công tác tổ chức và cán bộ; xây dựng đội ngũ đảng viên, viên chức đảm bảo tiêu chuẩn; đặc biệt là viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, đạo đức, năng lực tốt; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn thử thách.
Năm là, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và ủng hộ của Tỉnh ủy, Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo; gắn kết chặt chẽ, phối hợp hiệu quả với các ban, bộ, ngành, chính quyền các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà trường và Đảng bộ.
Những bài học quý báu nêu trên là một trong những nguồn lực quan trọng, hành trang cần thiết để Đảng bộ Trường Đại học Quy Nhơn tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Đến nay, Trường Đại học Quy Nhơn đã khẳng định được vị thế, uy tín và trở thành địa chỉ tin cậy để người học trên cả nước học tập và nghiên cứu; chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Trên chặng đường phía trước, sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, song với niềm tin tất thắng, chúng ta có thể khẳng định rằng Trường Đại học Quy Nhơn sẽ tiếp tục phát triển, hiện thực hóa mục tiêu trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng hàng đầu khu vực, có uy tín và tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, vững tin cùng ngành giáo dục - đào tạo bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.