ICT – Sáng ngày 15/02, Trường Đại học Quy Nhơn đã tổ chức “Hội nghị chuyên đề về Khoa học dữ liệu” với sự tài trợ từ Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata. Hội nghị đã mở ra cơ hội cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp… có thể tiếp cận, trao đổi, chia sẻ về công tác nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực khoa học dữ liệu.
Khoa học dữ liệu là một trong những ngành nghiên cứu, đào tạo mũi nhọn mà Trường Đại học Quy Nhơn, quan tâm đầu tư hiện nay. Từ năm 2020 đến nay, Nhà trường đã tổ chức 07 hội nghị, hội thảo liên quan đến lĩnh vực Khoa học dữ liệu. Hội nghị được tổ chức nhằm quảng bá chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng tại Trường Đại học Quy Nhơn; góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong nhận thức nói chung và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, thúc đẩy sự phát triển của ngành Khoa học dữ liệu tại QNU.
.jpg)
PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị lần này nhận được sự quan tâm và tham gia của các báo cáo viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn trong và ngoài tỉnh Bình Định, nổi bật là các tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học như sau:
1.Ông Trần Kim Kha - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định: “Nhu cầu nguồn nhân lực về Khoa học dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong khu vực công tỉnh Bình Định.
2.PGS.TS. Nguyễn Thanh Hiên, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM: "Lực lượng lao động phi sinh học trong Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo".
3.PGS.TS. Nguyễn Tấn Khôi, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: "Ứng dụng AI & IoT trong giám sát an toàn hành lang hệ thống truyền tải điện".
4. Ông Châu Thái Quy, Chánh văn phòng Văn phòng Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Định: "Vai trò của Khoa học dữ liệu trong chuyển đổi số đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường tại Bình Định".
5. GS.TS. Huỳnh Văn Nam, Viện Khoa học và Kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản (JAIST): "Những thành tựu và các hướng nghiên cứu mới về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo".
.jpg)
PGS.TS. Nguyễn Tấn Khôi, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trình bày báo cáo về AI & IoT tại hội nghị.
Đối với việc phát triển lĩnh vực khoa học dữ liệu tại Trường Đại học Quy Nhơn, Nhà trường đã bắt đầu mở chuyên ngành đào tạo đại học Khoa học dữ liệu, thuộc ngành Toán ứng dụng từ tháng 5/2019. Sau đó, Nhà trường tiếp tục nâng cao trình độ đào tạo và tuyển sinh đào tạo ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng trình độ Thạc sĩ vào tháng 7/2020.
Từ khi chính thức đào tạo đến nay, số lượng học viên ngành Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ ổn định trong mức từ 10-20 học viên/năm. Ngoài ra, đã có 3 khóa đào tạo trình độ thạc sĩ của ngành được tốt nghiệp với số lượng khoảng 40 học viên. Đến tháng 5/2022, tiếp nối sự thành công của chương trình đào tạo bậc Thạc sĩ, Nhà trường chính thức mở ngành đào tạo đại học Khoa học dữ liệu hệ đại học chính quy.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thường niên các hội nghị chuyên đề về Khoa học dữ liệu cũng đáp ứng sự tăng cường hợp tác cùng các doanh nghiệp, tổ chức để phát triển, ứng dụng lĩnh vực này vào thực tế. Từ đó, giúp nhân rộng và phát triển số lượng các vị trí công việc dành cho học viên sau khi tốt nghiệp tại Trường.
.jpg)
Khoa học dữ liệu được dự đoán sẽ là ngành học nhận được sự quan tâm đặc biệt trong tương lai gần.
Theo dự báo từ TopDev, nhu cầu nhân lực ngành Khoa học dữ liệu tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng từ 15-20% mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2025. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ cần khoảng 01 triệu chuyên gia khoa học dữ liệu. Các vị trí tuyển dụng phổ biến bao gồm nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư dữ liệu và chuyên gia phân tích dữ liệu.
Với những tiềm năng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai, các học viên ngành Khoa học dữ liệu có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc khác nhau như: Khai phá dữ liệu và xây dựng mô hình; Thống kê, phân tích và kiến trúc dữ liệu; Tư vấn thiết kế phần mềm xử lý dữ liệu lớn; Machine learning…
.jpg)
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi hội nghị kết thúc.
Đồng hành cùng Nhà trường trong công tác phát triển ngành Khoa học dữ liệu, từ năm 2020, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) đã tài trợ và hợp tác đào tạo thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu tại QNU với kinh phí 2 tỷ đồng/năm theo Đề án VINIF.2020.JM01.Nx. Đồng thời, VINIF cũng đã tài trợ 15 suất học bổng dành cho học viên cao học ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng với giá trị 120 triệu/năm/học viên. Năm 2025, Nhà trường sẽ tiếp tục tuyển sinh chương trình đào tạo ngành Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ theo 02 đợt, bao gồm đợt 1 vào Tháng 2/2025 và đợt 2 vào Tháng 7/2025 với số lượng dự kiến là 30 học viên.
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ:
Phòng Đào tạo Sau đại học - P.66, Tầng 6, Nhà 15 tầng, 170 An Dương Vương, Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng, TS. Hà Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng; Đại biểu mời; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Phòng ĐTSĐH, KH-TC, HC-TH, Trung tâm CNTT&TT, Khoa Toán & TK, CNTT, KT&CN, TC-NH&QTKD, KT&KT, Sư phạm, KHTN…; Giảng viên tham gia xây dựng, phát triển và giảng dạy trình độ đại học, thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu; Học viên và sinh viên theo Kế hoạch số 15/KH-ĐHQN ngày 13/01/2025.
|
Việt Linh - Bảo Thuận