ICT – Thực hiện kế hoạch năm học 2024 – 2025, ngày 17/02, Hội nghị đào tạo trình độ sau đại học năm 2025 được tổ chức với sự tham dự của đông đảo giảng viên, chuyên viên và đại diện lãnh đạo các phòng chức năng của Nhà trường. Hội nghị đã mang đến những thông tin và hướng phát triển cho công tác đào tạo trình độ sau đại học; trưng cầu những góp ý từ các thành phần tham dự để thúc đẩy những công tác liên quan.
Hội nghị được tổ chức nhằm rà soát, đánh giá công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; lắng nghe ý kiến góp ý từ lãnh đạo các đơn vị; giảng viên chủ trì ngành, giám đốc và giảng viên tham gia đào tạo các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; từ đó đưa ra định hướng, giải pháp cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ sau đại học của Trường trong năm 2025 và các năm tới.

PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, chủ trì hội nghị.
Chủ trì hội nghị, PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường đã phát biểu khai mạc, tổng quan sơ lược về tình hình đào tạo trình độ sau đại học tại Trường và định hướng trao đổi, thảo luận tại Hội nghị. Thông qua đó, Hiệu trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng, đóng góp của công tác đào tạo trình độ sau đại học đối với sự phát triển, khẳng định chất lượng đào tạo đa bậc và uy tín của thương hiệu Trường Đại học Quy Nhơn.
Để làm rõ những chi tiết, tình hình thực tế cho người tham dự hội nghị nắm bắt, PGS.TS. Hồ Xuân Quang - Trưởng Phòng ĐTSĐH, đã trình bày báo cáo tổng quan về công tác tuyển sinh và đào tạo trình độ sau đại học giai đoạn 2021 - 2024; đồng thời tổng hợp một số nội dung chính từ góp ý của các Khoa có đào tạo SĐH.

PGS.TS. Hồ Xuân Quang - Trưởng Phòng ĐTSĐH trình bày báo cáo về thực trạng của công tác đào tạo trình độ sau đại học.
Theo báo cáo, từ năm 2021 đến 2024, Nhà trường tuyển sinh trình độ thạc sĩ trung bình khoảng 431 học viên/năm, và số liệu nhập học trung bình rơi vào khoảng 416 học viên/năm. Tuy nhiên, số lượng tuyển sinh chưa thật sự ổn định với mức giảm liên tục từ năm 2021 – 2023 lần lượt là 518 - 422 - 351, và chỉ vừa trở lại với con số 431 học viên từ năm 2024. Lý giải cho điều này, PGS.TS. Hồ Xuân Quang cũng cho biết có nhiều yếu tố từ khách quan cho đến chủ quan.
Một trong số những yếu tố khách quan có thể kể đến như nhu cầu đối với trình độ sau đại học giảm; nguồn tuyển nghiên cứu sinh hạn chế; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không còn ưu tiên người có bằng thạc sĩ trong tuyển dụng; yêu cầu ngoại ngữ đầu vào (B1) và đầu ra (B2) theo quy định TT 23/2021 là rào cản lớn đối với học viên; đồng thời học phí, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng…
Về các yếu tố chủ quan, báo cáo cũng nêu rõ một số điểm đáng chú ý như công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh SĐH của Trường chưa được quan tâm đúng mức; chưa có cơ chế nhằm liên hệ chặt chẽ với các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp trong việc đặt hàng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; một số ngành có nhu cầu cao như Luật, Hệ thống nông nghiệp, LLPPDH bộ môn Toán, Hóa, Ngữ văn… nhưng Trường chưa đủ điều kiện mở; hoặc một số ngành có nhu cầu cao như LLPPDH bộ môn tiếng Anh, QLGD… nhưng nhân lực đào tạo có trình độ tiến sĩ ngành phù hợp của Trường còn hạn chế nên chỉ tiêu thấp…

TS. Võ Duy Đức - Phó Trưởng khoa Khoa Sư phạm đề cao việc phát triển E-learning, dạy học trực tuyến.
Ngoài ra, công tác tuyển sinh trình độ SĐH cũng có những khó khăn khác liên quan đến thời gian đào tạo, chính sách ưu tiên, cơ chế thanh toán, học phần tốt nghiệp, quản lý học viên… Đối với công tác đào tạo từ xa, TS. Võ Duy Đức - Phó Trưởng khoa Khoa Sư phạm, cũng bày tỏ sự cấp thiết, tầm quan trọng của công tác E-learning. Đây là xu hướng tất yếu của xã hội và phục vụ cho nhu cầu của đông đảo người học, tuy nhiên các Khoa cần chủ động và mạnh dạn, sẵn sàng hơn trong công tác này. TS. Võ Duy Đức cũng mong muốn Nhà trường có thể xem xét để tìm ra hướng giải quyết về thủ tục pháp lý, chế tài thanh toán khi mời các giáo sư, chuyên gia nước ngoài về tổ chức hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về E-learning trong tương lai.
Ngoài ra, hội nghị cũng nhận được các góp ý khác liên quan đến cập nhật chương trình đào tạo, mở thêm ngành, việc xét tốt nghiệp cho học viên, xây dựng phân hiệu mới của Trường tại khu vực khác nằm ngoài các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên để thúc đẩy thương hiệu của Trường.

Đại biểu, giảng viên chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc hội nghị.
Tổng kết chương trình Hội nghị, PGS.TS. Đoàn Đức Tùng đã trả lời các ý kiến và tổng kết hội nghị, gửi lời cảm ơn đến các ý kiến mang tính xây dựng đến từ các đơn vị, giảng viên Nhà Trường. Hội nghị kết thúc trong không khí cởi mở, trách nhiệm vì sự phát triển chung của Nhà trường và gợi mở những giải pháp cụ thể có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đào tạo trình độ sau đại học trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay của Trường Đại học Quy Nhơn.
Bảo Thuận