CTSV&HTDN - Ngày 07/5/2025, Trường Đại học Quy Nhơn đã phối hợp với công an phường Nguyễn Văn Cừ (Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tổ chức chương trình tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng và nhận diện những hiểm họa về ma túy học đường cho hơn 400 sinh viên đại diện các lớp, chi đoàn trong toàn Trường.
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, tội phạm công nghệ cao đã và đang xâm nhập vào môi trường học đường với nhiều chiêu trò, hình thức lừa đảo qua mạng tinh vi, khó lường. Tình trạng này không chỉ diễn biến phức tạp mà còn có xu hướng gia tăng nhanh chóng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với sinh viên - nhóm đối tượng dễ bị tác động. Cùng với vấn đề đó, các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy học đường thông qua nhiều hình thức ngụy trang, khó nhận biết đã xâm nhập và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh viên.
Trước thực tế đó, thực hiện chương trình giáo dục sinh viên năm học 2024 - 2025, chương trình tuyên truyền được tổ chức nhằm phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng phòng tránh tội phạm mạng và nhận diện sớm các hiểm họa liên quan đến ma túy. Thông qua chương trình, sinh viên được nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân trong môi trường số hóa, đồng thời hiểu rõ tác hại của ma túy và trách nhiệm của bản thân trong việc nói “không” với các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
.jpg)
Đại biểu tham dự chương trình tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng và ma túy học đường tại Trường Đại học Quy Nhơn.
Những hình thức phổ biến, tinh vi mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo, bao gồm: giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện, thông báo rằng người bị hại có liên quan đến các vụ án ma túy, rửa tiền... nhằm yêu cầu người bị hại chuyển tiền để phục vụ điều tra; kết bạn trên mạng xã hội (Facebook, Zalo...), hứa hẹn tặng quà có giá trị lớn và yêu cầu người bị hại chuyển tiền để chuộc lại món quà đang bị tạm giữ, hoặc tiền đóng thuế, cước phí hoặc chi phí để nhận hàng; gọi điện thông báo trúng thưởng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân; lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada…) hoặc ứng dụng TikTok; chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản cá nhân (Zalo, Facebook…) mạo danh người thân, người quen để lừa vay tiền, chuyển tiền; giả mạo tin nhắn của các nhà mạng, ngân hàng thương mại nhằm lừa đảo, yêu cầu khách hàng nhấn vào đường link được cung cấp để đăng nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP… từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt tài sản.
.jpg)
Thượng úy Nguyễn Nhật Trường - Cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, công an tỉnh Bình Định trình bày chuyên đề về phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng.
Trao đổi tại chương trình, các báo cáo viên đã chia sẻ nhiều tình huống thực tế và phân tích chi tiết về tình hình, đặc điểm của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet và mạng xã hội. Đồng thời, hướng dẫn các nội dung chính về cách nhận diện một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên mạng, cũng như cách xử lý khi trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Thông qua đó, sinh viên QNU được trang bị kiến thức pháp luật và biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, chủ động bảo vệ tài khoản cá nhân, thông tin ngân hàng, SIM điện thoại, tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Với các tình huống, thông tin cụ thể, các báo cáo viên cũng khuyến cáo sinh viên về các biện pháp phòng ngừa và nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với những thông tin xấu độc trên mạng xã hội, không cung cấp bất kỳ thông tin nào của cá nhân và gia đình qua mạng xã hội cho những đối tượng không quen biết, tránh tình trạng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, báo với cơ quan chức năng khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo qua mạng...
.jpg)
Thượng úy Dương Hoàng Phương - Cán bộ Phòng Cảnh sát Ma túy, Công an tỉnh Bình Định chia sẻ chuyên đề về phòng, chống ma túy học đường.
Bên cạnh chuyên đề phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, chương trình còn triển khai chuyên đề phòng, chống ma túy học đường - một nội dung quan trọng, thiết thực trong bối cảnh ma túy đang có xu hướng xâm nhập ngày càng tinh vi vào môi trường giáo dục. Đại diện Công an Phường Nguyễn Văn Cừ đã cung cấp những kiến thức pháp luật liên quan, nhận diện các loại ma túy phổ biến hiện nay như: cần sa điện tử, tem giấy, nước vui, bánh kẹo có tẩm chất ma túy... thường được ngụy trang dưới dạng các sản phẩm quen thuộc, khiến sinh viên dễ mất cảnh giác.
Sinh viên được cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng, tàng trữ hoặc tham gia vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy… không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, học tập mà còn dẫn đến hệ lụy pháp lý nghiêm trọng. Các bạn sinh viên được khuyến khích nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh xa các chất kích thích và tệ nạn xã hội, đồng thời trở thành “người tuyên truyền” trong tập thể lớp, chi đoàn để xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Chia sẻ sau chương trình, Phạm Thị Khánh Ly - Sinh viên lớp Sư phạm Ngữ văn K46 cho biết: “Buổi tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng và phòng, chống ma túy thật sự bổ ích và thiết thực. Những câu chuyện thực tế và kiến thức được chia sẻ giúp mình nhận ra rằng chỉ một chút lơ là thôi cũng có thể rơi vào cạm bẫy nguy hiểm. Mình nhận thấy bản thân cần cẩn trọng hơn khi sử dụng mạng xã hội và luôn kiên quyết nói không với ma túy. Đây là một chương trình rất ý nghĩa, đáng để mỗi người trẻ như mình ghi nhớ và lan tỏa đến bạn bè xung quanh.”
.jpg)
Sinh viên chăm chú lắng nghe các nội dung tuyên truyền tại chương trình.
Chương trình đã trang bị cho sinh viên những kiến thức pháp luật và kỹ năng thực tiễn trong việc phòng, chống tội phạm mạng và ma túy học đường, đồng thời góp phần nâng cao ý thức chủ động, tinh thần trách nhiệm và cảnh giác trong mỗi cá nhân. Đây là một hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo vệ thế hệ trẻ trước những thách thức của xã hội hiện đại. Thông qua việc phối hợp tổ chức các chương trình tuyên truyền, Trường Đại học Quy Nhơn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đồng hành cùng sinh viên, xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, văn minh; và là nơi mà mỗi bạn trẻ được phát triển toàn diện cả về tri thức, nhân cách và bản lĩnh sống tích cực.
Buổi tuyên truyền có sự tham dự của đại diện các đơn vị, bao gồm:
Về phía Công an tỉnh Bình Định:
- Thượng úy Nguyễn Nhật Trường – Cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự, công an tỉnh Bình Định.
- Thượng úy Dương Hoàng Phương – Cán bộ Phòng Cảnh sát Ma túy, công an tỉnh Bình Định.
Về phía Công an phường Nguyễn Văn Cừ:
- Trung tá Nguyễn Hoàng Sinh – Trưởng Công an phường Nguyễn Văn Cừ.
- Đại úy Bùi Thanh Bình – Cán bộ công an Phường Nguyễn Văn Cừ, phụ trách địa bàn.
- Đại úy Nguyễn Thị Anh Thảo – Cán bộ công an Phường Nguyễn Văn Cừ.
Về phía Trường Đại học Quy Nhơn:
- ThS. Cao Kỳ Nam – Đảng ủy viên, Phó Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên và Hợp tác doanh nghiệp.
- TS. Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm số và học liệu.
Hơn 400 sinh viên đại diện các lớp/chi đoàn thuộc Trường Đại học Quy Nhơn.
|
Nguyễn Quý