Khoa Toán - Vào ngày 8/8/2018, từ thành phố Trieste (Ý), Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) đã chính thức thông báo trao tặng Huy chương Dirac (Dirac Medal) cho GS. Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago) cùng hai nhà Vật lý khác là Subir Sachdev (Quốc tịch Ấn Độ, Đại học Harvard), Xiao-Gang Wen (Quốc tịch Trung Quốc, Viện công nghệ Massachusetts) nhờ vào những đóng góp độc lập của họ cho nghiên cứu các pha mới của các hệ nhiều hạt.
Thông báo giải thưởng từ website của ICTP
Nói về ba nhà khoa học giành Huy chương Dirac năm nay, ông Fernando Quevedo - Giám đốc ICTP cho biết “họ đều là những người dẫn đầu trong việc sử dụng các phương pháp liên ngành để giải quyết các vấn đề vật lý lý thuyết cụ thể”. Đáng chú ý là, đã có 5 nhà khoa học nhận Huy chương Dirac sau đó giành được giải Nobel và 1 người sau đó giành được giải Fields (được xem là “giải Nobel” về Toán học).
Huy chương Dirac là giải thưởng danh giá do ICTP trao tặng hằng năm dành cho các nhà khoa học có những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết (Theoretical Physics). Huy chương Dirac được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1985, lấy theo tên của nhà Vật lý Lý thuyết người Anh - Paul Adrien Maurice Dirac (1902-1984). Ông được đánh giá là một trong những nhà Vật lý xuất sắc nhất của thế kỷ 20.
Điều đặc biệt là cùng thời điểm GS. Đàm Thanh Sơn được thông báo nhận giải thưởng Dirac từ ICTP, vào ngày 8/8/2018, Giáo sư đang có chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Quy Nhơn và có mặt trong buổi nói chuyện khoa học dành cho sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn của GS. Jerome Friedman (Học viện Công nghệ Massachusetts, Giải Nobel Vật lý năm 1990) với chủ đề “Chúng ta có thực sự được tạo thành từ các hạt quark không?”
GS. Jerome Friedman (đứng thứ 3) và GS. Đàm Thanh Sơn (đứng thứ 5, tính từ bên trái)
Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) được thành lập vào năm 1964 tại Ý bởi nhà Vật lý lý thuyết Abdus Salam (Quốc tịch Pakistan, 1926-1996) - người từng giành giải Nobel Vật lý vào năm 1979. ICTP là trung tâm quốc tế nổi tiếng trên thế giới, hoạt động trong lĩnh vực Vật lý, Toán học có nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động khoa học, giáo dục cho các nước đang phát triển.
Việt Nam là một trong các quốc gia nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ ICTP, trong đó có Khoa Toán-Trường Đại học Quy Nhơn. Bắt đầu từ năm 2000 cho đến nay, đặc biệt là liên tục các năm 2004-2012, năm nào sinh viên Khoa Toán cũng nhận được học bổng Diploma để đào tạo sau đại học về Toán học của ICTP (Postgraduate Diploma Programme in Mathematics). Đây là chương trình đào tạo đặc biệt kéo dài 12 tháng nhằm đào tạo cho học viên kiến thức toàn diện và chuyên sâu về Toán để chuẩn bị việc nghiên cứu Tiến sĩ ở các nước phát triển. Lớp học này gồm 10 học viên và đều đến từ các nước đang phát triển.
Chương trình đào tạo sau đại học trên website của ICTP
Các sinh viên Khoa Toán đã từng xuất sắc nhận được học bổng Diploma của ICTP bao gồm Hồ Minh Toàn (nguyên GV Khoa Toán, hiện đang công tác tại Viện Toán học Hà Nội); Nguyễn An Khương (nguyên GV Khoa Toán, hiện đang công tác tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM); Phạm Ngọc Ánh (nguyên GV Khoa Toán, hiện đang công tác tại Trường ĐH Hoa Sen); Phan Thanh Nam, Lê Công Trình, Ngô Lâm Xuân Châu, Mai Thành Tấn, Lê Thanh Hiếu, Nguyễn Ngọc Quốc Thương, Phạm Thùy Hương (tất cả đang là GV Khoa Toán, Trường ĐH Quy Nhơn). Các SV Khoa Toán đều đạt thành tích học tập ở vị trí nhất, nhì của lớp và sau đó đều xuất sắc giành được học bổng đào tạo Tiến sỹ về Toán học và Toán ứng dụng tại các trường Đại học và Viện nghiên cứu uy tín ở Canada và một số nước Châu Âu như Đức, Ý, Áo, Hà Lan, Bỉ.
GS. Ngô Bảo Châu & anh Ngô Lâm Xuân Châu (Giảng viên Khoa Toán) tại ICTP năm 2007
T. T. Q