1. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng
Những năm qua, Trường Đại học Quy Nhơn chú trọng phát triển hợp tác sâu sắc trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, tổ chức, viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang nhận được nhiều tài trợ cho các dự án đào tạo và bồi dưỡng năng lực như Chương trình hỗ trợ giảng viên giảng dạy tiếng Anh (FHI360 - Hoa Kỳ, English Language Institute - Hoa Kỳ), Chương trình học bổng tiếng Anh Access - English Access Microscholarship Program (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Phòng Văn hóa và Giáo dục); Dự án Hỗ trợ xây dựng năng lực - Facility to Capacity Building (Katholieke Universiteit Leuven - Vương quốc Bỉ); Chương trình liên kết thực tập (Công ty cổ phần Daiwa Resort, Nhật Bản), Chương trình UNESCO-UNITWIN 2019 “Nâng cao vị thế nữ giới thông qua giáo dục công nghệ thông tin và kỹ năng lãnh đạo” (Bộ giáo dục Hàn Quốc). Ngoài ra, nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) và thỏa thuận về hợp tác song phương trong đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên… đã được ký kết và triển khai hiệu quả giữa Trường Đại học Quy Nhơn với các trường đại học danh tiếng như Đại học KU Leuven, Bỉ; Đại học Évora, Bồ Đào Nha; Đại học Camerino, Italy; Đại học Ryukoku, Nhật Bản; Đại học Sookmyung Women, Hàn Quốc… từ đó đem lại cho giảng viên và sinh viên của Trường nhiều cơ hội học tập, trao đổi học thuật, nghiên cứu, thực tập… để mở rộng kiến thức cũng như tiếp cận với môi trường giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Nhà trường đã tiếp nhận đào tạo lưu học sinh (LHS) Lào học tại trường kể từ năm 2002. Tổng số LHS Trường Đại học Quy Nhơn đã đào tạo đến nay lên tới hơn 1.000 LHS và hiện nay có 78 LHS đang sinh sống và học tập tại trường. Với kinh nghiệm gần 20 năm đào tạo tiếng Việt cho LHS Lào, Trường Đại học Quy Nhơn định hướng tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và ngành Đông phương học cho Lưu học sinh quốc tế có nhu cầu học tập tại trường trong thời gian tới.
2. Về công tác bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo
Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang nhận được nhiều tài trợ cho các dự án nâng cao chất lượng đào tạo như Dự án South Initiatives năm 2014 về “Xây dựng chương trình Thạc sĩ mới ngành Hóa Lý và Hóa Lý thuyết tại Trường Đại học Quy Nhơn, Việt Nam” (Tổ chức VLIR-UOS, Bỉ), Dự án South Initiatives năm 2018 về “Cải thiện chương trình đào tạo và nghiên cứu trong chương trình thạc sĩ vật lý chất rắn tại Trường Đại học Quy Nhơn” (Tổ chức VLIR-UOS, Bỉ), Dự án TEAM “Tăng cường năng lực của Trường Đại học Quy Nhơn - Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề địa phương bằng cách xây dựng một chương trình đào tạo tiến sĩ” (Tổ chức VLIR-UOS, Bỉ), Dự án MOMA về “Phát triển chương trình về khoa học phân tử và vật liệu theo định hướng nghiên cứu” (Ủy ban Châu Âu - European Commission). Các dự án này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng của các chương trình đào tạo của Trường Đại học Quy Nhơn.Đáng chú ý, tháng 01/2021, Trường Đại học Quy Nhơn là trường duy nhất ở Châu Á được VLIR-UOS lựa chọn là trường đại học đối tác để thực hiện các pha khác nhau của chương trình IUC, với sự tham gia của 04 trường đại học lớn tại Vương quốc Bỉ, gồm: Đại học Leuven (KU Leuven), Đại học Hasselt (University of Hasselt), Đại học Ghent (University of Ghent), Đại học Antwerp (University of Antwerp) và 2 trường cao đẳng gồm HOGent và VIVES. Chương trình được thực hiện trong vòng 10 năm; có mục tiêu kép là cải thiện bền vững sinh kế cùng điều kiện sống của cư dân vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu của Trường Đại học Quy Nhơn trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, môi trường và năng lượng tái tạo.
3. Về công tác tham quan, trao đổi sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý trong giáo dục, đào tạo và dạy nghề
Thông qua các dự án và chương trình hợp tác, Nhà trường đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học, học hỏi kinh nghiệm của các Trường đại học ở Pháp, Bỉ, Hà lan, Đức, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan,… Đồng thời Nhà trường cũng đã tiếp nhận nhiều đoàn cán bộ, sinh viên của các trường đại học Hàn Quốc giao lưu trao đổi văn hóa như Đại học Hanyang và Đại học Nữ sinh Sookmyung.
Về việc quản lý LHS Lào học tại Trường, Nhà trường luôn tuân thủ các quy định, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam; đảm bảo việc tuyển sinh, đào tạo cũng như ăn ở, lưu trú của LHS Lào tại trường theo đúng quy định. Kể từ năm 2011, Nhà trường đã ban hành Hướng dẫn thực hiện việc tiếp nhận, quản lý và đào tạo Lưu học sinh Lào học tại Trường nhằm đảm bảo công tác quản lý LHS Lào học tại trường được thực hiện một cách quy củ, rõ ràng và hiệu quả. Trường cũng thường xuyên cập nhập thông tin của các LHS Lào trên phần mềm quản lý LHS nước ngoài của Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như thực hiện các báo cáo định kỳ và đột xuất của Bộ về công tác quản lý người nước ngoài học tập và làm việc tại Trường.
Đối với việc quản lý sinh viên, học viên đi học ở nước ngoài, Nhà trường luôn thực hiện các quy trình quản lý chặt chẽ, chỉ cử đi đến các trường đối tác, đã ký thỏa thuận hợp tác; thực hiện quy trình ra quyết định cử đi học, báo cáo cho các cơ quan quản lý có liên quan; ra quyết định tiếp nhận lại khi có đầy đủ hồ sơ và báo cáo theo quy định hiện hành về quản lý người đi học ở nước ngoài.
Danh mục các Thỏa thuận quốc tế Trường Đại học Quy Nhơn ký kết trong giai đoạn 2010 – 2022
Chương trình UNESCO-UNITWIN 2022
Danh mục các Dự án quốc tế Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang triển khai
Nguyễn Văn Thắng
CT