SHL - Sinh viên học các ngành, chuyên ngành về công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng tại Trường Đại học Quy Nhơn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ học phí, học bổng, cơ hội thực tập và phát triển nghề nghiệp tại địa phương, trong nước và quốc tế. Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao tỉnh Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) giai đoạn 2025–2030, được công bố tại Họp báo công bố thông tin tuyển sinh năm 2025 và các chính sách ưu đãi đối với sinh viên học các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng vào ngày 15/7/2025, do Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức.

TS. Đinh Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chủ trì họp báo
Tỉnh Gia Lai (mới) đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực công nghệ cao khi chính thức triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng. Đề án được thực hiện với mục tiêu đào tạo ít nhất 7.500 kỹ sư, cử nhân và chuyên gia trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Đây là một trong những chiến lược trọng điểm của tỉnh nhằm đón đầu xu hướng chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao trên cả nước.
Theo đề án, Trường Đại học Quy Nhơn được giao vai trò chủ lực thực hiện đề án, với hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn dùng chung được đầu tư lên đến 120 tỷ đồng - một trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên, phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu.

TS. Lê Xuân Vinh - Trưởng phòng Phòng Đào tạo giới thiệu thông tin tuyển sinh năm 2025, tổng quan Đề án, các ngành, chuyên ngành về công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng tại họp báo
Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Nhà trường giới thiệu thông tin tuyển sinh năm 2025 của Trường Đại học Quy Nhơn; tổng quan Đề án phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), an toàn và an ninh mạng giai đoạn 2025–2030; 04 ngành về công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng đào tạo tại QNU theo đề án, bao gồm: Kỹ thuật điện tử – viễn thông (Chuyên ngành Thiết kế vi mạch); Vật lý kỹ thuật (Chuyên ngành Công nghệ gia công, đóng gói và kiểm thử vi mạch); Trí tuệ nhân tạo; Công nghệ thông tin (Chuyên ngành An toàn – an ninh mạng). Đây là những ngành học đang được Tỉnh Gia Lai (mới) đặc biệt quan tâm trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.

ThS. Nguyễn Khắc Khanh - Trưởng phòng Phòng công tác sinh viên và Hợp tác doanh nghiệp giới thiệu các chính sách ưu đãi, cơ hội việc làm dành cho sinh viên theo học các lĩnh vực công nghệ cao
Đồng thời, Nhà trường cũng giới thiệu các chính sách ưu đãi, cơ hội việc làm dành cho sinh viên theo học các lĩnh vực này, bao gồm: hỗ trợ tài chính, học phí, chính sách học bổng, cơ hội thực tập, phát triển nghề nghiệp tại địa phương, trong nước và quốc tế. Cụ thể, sinh viên được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đóng học phí và được tỉnh Gia Lai (mới) hỗ trợ 100% lãi suất trong suốt thời gian học. Đặc biệt, nếu cam kết làm việc tại tỉnh tối thiểu 03 năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được tỉnh chi trả toàn bộ học phí. Ngoài ra, những sinh viên có kết quả học tập xếp loại Khá trở lên sẽ được nhận học bổng khuyến khích học tập của QNU trị giá bằng hoặc cao hơn mức học phí đã đóng. Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội được xét chọn nhận học bổng tài trợ từ các doanh nghiệp đối tác của Nhà trường, cũng như học bổng Vallet trị giá hơn 30 triệu đồng mỗi năm nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn.
Không chỉ được hỗ trợ tài chính, sinh viên còn được ưu tiên chỗ ở tại ký túc xá trong khuôn viên Trường và được thực hành, nghiên cứu với hệ thống thiết bị hiện đại tại phòng thí nghiệm công nghệ cao trị giá 120 tỷ đồng. Nhà trường có đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên trình độ cao, cùng các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên phát triển chuyên môn. Ngoài ra, sinh viên còn được thực tập tại các công ty công nghệ hàng đầu như FPT Software, TMA Solutions, FUJINET…, có cơ hội làm cộng tác viên được trả lương, và được ưu tiên tuyển dụng theo chính sách của tỉnh với mức thu nhập hấp dẫn. Những chính sách này không chỉ tạo điều kiện học tập thuận lợi mà còn mở ra triển vọng nghề nghiệp rộng mở cho sinh viên sau khi ra trường.
Tại buổi họp báo, đại diện Nhà trường, các sở ban ngành, doanh nghiệp và cơ quan báo chí đã cùng trao đổi nhiều nội dung quan trọng xoay quanh định hướng đào tạo, hợp tác và triển khai đề án.
TS. Đinh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh vai trò của Trung tâm Số và Học liệu trong việc làm đầu mối phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai để tăng cường truyền thông, kết nối thông tin báo chí. Phó Hiệu trưởng cũng khẳng định, Nhà trường sẽ tập trung phát huy những thế mạnh riêng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với hơn 51% đội ngũ giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư, Nhà trường tự tin vào năng lực chuyên môn và khả năng triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao. Đại diện lãnh đạo Sở cũng đề xuất sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa QNU và địa phương sau khi tỉnh sáp nhập, có hơn 100 phóng viên từ hơn 50 cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại họp báo

Đại diện các doanh nghiệp thông tin về nhu cầu nhân sự trong thời gian tới
Các doanh nghiệp như TMA Slolutions và FPT Software bày tỏ nhu cầu tuyển dụng hàng trăm kỹ sư có kiến thức về AI, phần mềm và firmware, đồng thời mong muốn được biết rõ chương trình đào tạo cụ thể của QNU trong lĩnh vực bán dẫn. FPT cũng chia sẻ định hướng trở thành thung lũng AI tại khu vực và cam kết hỗ trợ sinh viên QNU thông qua các chương trình thực tập.
Trả lời báo chí, TS. Lê Xuân Vinh – Trưởng phòng Phòng Đào tạo cho biết, trong khuôn khổ đề án, Nhà trường cũng sẽ tuyển sinh và đào tạo nhiều chương trình liên thông, chuyển đổi chuyên ngành cho sinh viên đang theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, vật lý… để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động một cách linh hoạt. Nhà trường đang nỗ lực phát triển để trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực hành và nghiên cứu chuyên sâu.

Buổi họp báo nhận được sự quan tâm từ các cơ quan báo chí, truyền thông
Về đề án xây dựng phòng thí nghiệm bán dẫn, đại diện Phòng Kế hoạch – Tài chính cho biết đây là mô hình mới, được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. QNU đang học hỏi từ các mô hình tại TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Việt Đức để xây dựng danh mục thiết bị phù hợp, đồng thời phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Gia Lai để vận hành hiệu quả, phục vụ sinh viên toàn tỉnh.
Kết thúc buổi họp báo, lãnh đạo Nhà trường gửi lời cảm ơn đến các cơ quan tỉnh, phóng viên báo chí và đại diện doanh nghiệp đã đồng hành, đồng thời bày tỏ mong muốn thông tin tuyển sinh được lan tỏa đến học sinh, góp phần thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng trong tương lai.
Với vai trò chủ lực trong đề án, Trường Đại học Quy Nhơn đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Việc triển khai đề án không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế.
Minh Hiền