ICT - Ngày 09/10, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN), Trường Đại học Quy Nhơn đã có buổi làm việc cùng Đoàn công tác Ban VSTBPN; Cục Nhà giáo & Cán bộ quản lý giáo dục; và các Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá các công tác, hoạt động của Ban VSTBPN tại Trường.
Trong thời gian làm việc cùng Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Ban Giám hiệu, Công đoàn Trường và đại diện Ban VSTBPN Trường Đại học Quy Nhơn đã trình bày, báo cáo về công tác triển khai những nhiệm vụ thường xuyên của Ban VSTBPN trong năm 2024. Buổi làm việc được chia thành hai phiên, bao gồm phiên trao đổi cùng đại diện Ban Giám hiệu, Ban VSTBPN Nhà trường và các đơn vị, phòng chức năng liên quan; và phiên phỏng vấn đối với viên chức, người lao động (VCNLĐ) và người học của các Khoa, bộ môn.
TS. Đinh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng, đại diện Ban VSTBPN Nhà trường phát biểu tại phiên làm việc cùng Đoàn công tác Bộ GD&ĐT.
Theo đó, Ban VSTBPN Nhà trường đã báo cáo một số thông tin liên quan đến các vấn đề: thực trạng các vấn đề về giới, bình đẳng giới trong Nhà trường; tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong đơn vị; công tác thông tin, truyền thông; những khó khăn và đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác bình đẳng giới tại Trường Đại học Quy Nhơn trong thời gian qua.
Đồng thời, tại buổi làm việc, Ban VSTBPN Nhà trường còn trao đổi, giải đáp những vướng mắc trong công tác bình đẳng giới; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức nữ (VD: tiêu chuẩn, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chế độ làm việc, phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi...). Đặc biệt, Nhà trường cũng đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và một số kiến nghị để hai bên cùng tham khảo.
Tỉ lệ nữ giới trong tổng số VCNLĐ tại Trường chiếm 55,07%.
Cụ thể, các đơn vị liên quan của Nhà trường đã cung cấp một số thông tin về khái quát đặc điểm, tình hình nữ cán bộ nhà giáo người lao động của đơn vị. Tính đến tháng 9/2024, tổng số viên chức người lao động (VCNLĐ) của Trường là 739 người, trong đó số lượng VCNLĐ nữ chiếm 55,07%; chiếm 61,1% so với tổng số viên chức có trình độ thạc sĩ; chiếm 49,3% so với tổng số tiến sĩ và 30,6% so với tổng số GS, PGS.
Đối với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên của Ban VSTBPN, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, Nhà trường luôn đẩy mạnh công tác truyền thông về luật BĐG và các văn bản hướng dẫn quy định BĐG về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; xây dựng chiến lược về BĐG giai đoạn 2021 - 2030; tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ nữ cũng như có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ theo lộ trình phù hợp, đảm bảo tối thiểu 30% đối với tỉ lệ nữ. Ngoài ra, Nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến nữ VCNLĐ đặc biệt là Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; luôn kịp thời nắm bắt tình hình và phát hiện những khó khăn trong việc triển khai chế độ chính sách cho nữ VCNLĐ để đề xuất với các cấp có thẩm quyền đảm bảo chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho nữ VCNLĐ.
Chuyên viên của Đoàn công tác phỏng vấn ThS. Cao Kỳ Nam - Trưởng phòng P.CTCT-SV về hoạt động, sự hỗ trợ của Nhà trường dành cho sinh viên nữ trong thời gian qua.
Đối với công tác truyền thông liên quan đến nhân tố nữ điển hình, Nhà trường và Ban VSTBPN cũng chú trọng công tác nhân rộng điển hình, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai, thực hiện các phong trào thi đua, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc. Cụ thể trường hợp nữ giảng viên Nguyễn Thị Mộng Điệp thuộc Công đoàn Khoa Khoa học tự nhiên là nữ giảng viên được Bộ Giáo dục Pháp công nhận đạt chuẩn Giáo sư, đồng thời cũng là người Việt Nam duy nhất được công nhận học hàm này trong năm 2024. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng tổ chức, phát triển chương trình học thuật và trao đổi văn hoá trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu như Chương trình UNESCO-UNITWIN được tổ chức thường niên; hội nghị “Nâng cao vị thế phụ nữ thông qua đào tạo công nghệ thông tin và năng lực lãnh đạo”… Đối với sinh viên nữ, Ban VSTBPN phối hợp với Đoàn thanh niên thực hiện các chương trình hỗ trợ, tư vấn về các vấn đề liên quan đến nữ giới về tâm sinh lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trao đổi về những khó khăn với Đoàn công tác Bộ GD&ĐT, Nhà trường cho biết hiện tại không có cán bộ chuyên trách, Ban VSTBPN được phân công theo công tác kiêm nhiệm nên lực lượng còn mỏng. Ủy viên được giao làm công tác còn phải kiêm nhiệm nhiều việc chuyên môn, do vậy việc triển khai hoạt động của Ban còn một số hạn chế.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, đại diện Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT phát biểu tại phiên làm việc.
Kết thúc các phiên làm việc, Nhà trường đã đề xuất một số kiến nghị tăng cường tổ chức tập huấn các chương trình về giới và bình đẳng giới đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, viên chức và người lao động nữ làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn các hoạt động về giới và bình đẳng giới cho các cơ sở giáo dục đại học để nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác này.
Bảo Thuận