ICT - Từ ngày 25-26/9, trong khuôn khổ dự án “Phát triển mô hình đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Quy Nhơn” do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) viện trợ, Trường Đại học Quy Nhơn đã triển khai tổ chức các buổi tập huấn “Thiết kế các hoạt động tương tác bằng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI)” dưới sự hướng dẫn của chuyên gia đến từ AUF, TS. Tăng Bá Hoàng - Giám đốc Trung tâm CNTT - Đào tạo trực tuyến (Trường Đại học Hà Nội).
Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay và những tác động to lớn do đại dịch Covid-19 gây ra, vấn đề đào tạo trực tuyến đã trở nên phổ biến và trở thành xu thế của xã hội hiện đại. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và xu thế ấy, Trường Đại học Quy Nhơn đã đầu tư và tổ chức thực hiện, phát triển mô hình đào tạo trực tuyến theo phương thức E-learning.
TS. Nguyễn Thành Đạt - Giám đốc Trung tâm CNTT&TT chia sẻ về lợi ích của công cụ trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy E-learning.
Với sự viện trợ từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ, QNU đã thực hiện nhiều đợt tập huấn nhằm xây dựng và phát triển mô hình đào tạo trực tuyến tại Trường. Đồng thời, để phát huy tối đa những giá trị hữu ích của trí tuệ nhân tạo đối với ứng dụng trong mô hình đào tạo bằng phương thức E-learning, chương trình tập huấn với chủ đề “Thiết kế các hoạt động tương tác bằng công cụ trí tuệ nhân tạo” đã được diễn ra trong 02 ngày, từ ngày 25/9 đến ngày 26/9/2024. Nội dung tập huấn đã cung cấp kiến thức cần thiết cho các tham dự viên; tạo cơ hội để giảng viên, viên chức Nhà trường cùng nhau truyền đạt những kinh nghiệm trong việc ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo trong công tác giảng dạy; tối ưu hóa vận dụng các công cụ này vào thực tiễn và là một trong những cột mốc thể hiện sự gắn kết giữa QNU và AUF.
TS. Tăng Bá Hoàng - Chuyên gia từ AUF, Giám đốc Trung tâm CNTT - Đào tạo trực tuyến (Trường Đại học Hà Nội) trình bày về tạo hình ảnh minh họa thông qua AI.
Chương trình tập huấn đã thu hút gần 40 giảng viên, viên chức đến từ các Khoa, bộ môn, đơn vị thuộc Trường… tham gia . Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn từ chuyên gia của AUF - TS. Tăng Bá Hoàng, Giám đốc Trung tâm CNTT - Đào tạo trực tuyến (Trường Đại học Hà Nội), các giảng viên, viên chức đã được tiếp cận với công cụ trí tuệ nhân tạo một cách rất đa chiều. Một số công cụ cơ bản có thể kể đến như ChatGPT, Perplexity, Poe... (nhằm tạo hoạt động tương tác); hay Ttsopenai, Ttsmaker, Lovo, Vbee… (tạo giọng nói từ văn bản với các giọng đọc khác nhau)…
Giảng viên, viên chức lắng nghe và thực hiện các công cụ ngay tại buổi tập huấn.
Ngoài ra, TS. Tăng Bá Hoàng còn hướng dẫn các nội dung khác, bao gồm: Tạo và chỉnh sửa hình ảnh minh họa phù hợp nội dung giảng dạy; thực hành tạo phim hoạt hình ngắn với các nội dung cụ thể; chỉnh sửa và tối ưu video cho mục đích giảng dạy; thiết kế slide trình chiếu sáng tạo và tương tác; tổng hợp các công cụ AI và ứng dụng vào từng môn học cụ thể; và xây dựng khóa học E-learning từ nội dung đã tạo… cùng rất nhiều các kiến thức khác liên quan đến công cụ trí tuệ nhân tạo.
Giảng viên, viên chức và chuyên gia từ AUF chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc chương trình tập huấn.
Chuyên gia đến từ Trung tâm CNTT - Đào tạo trực tuyến (Trường Đại học Hà Nội) đã chia sẻ, hỗ trợ giảng viên, viên chức Nhà trường nắm vững kỹ năng tổ chức và quản lý bài học trực tuyến hiệu quả hơn. Trong thời gian đến, thông qua hoạt động tương tác của bài giảng cụ thể có ứng dụng công nghệ AI, các giảng viên sẽ tăng cường sự tương tác của sinh viên trong quá trình học tập. Trong thời gian sắp tới, Nhà trường cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình tập huấn khác liên quan E-learning để phát triển và tối ưu hóa mô hình đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Quy Nhơn.
Bảo Thuận