SHL - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và yêu cầu cấp thiết về phát triển bền vững, Trường Đại học Quy Nhơn đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong kết nối học thuật và nghiên cứu liên ngành. Seminar “Khoa học vì sự phát triển bền vững”, diễn ra ngày 22/7/2025, là một minh chứng rõ nét cho nỗ lực đó, đồng thời thể hiện cam kết của nhà trường trong việc đồng hành cùng các nhà khoa học, giảng viên và nghiên cứu sinh để giải quyết những thách thức thực tiễn của khu vực và quốc gia.
Seminar là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đại học IUC-QNU Giai đoạn 1 (2022–2027) do VLIRUOS tài trợ, có sự tham gia đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và đại diện các dự án thành phần thuộc chương trình IUC-QNU.

PGS.TS. Vũ Thị Ngân - Chủ nhiệm Chương trình IUC-QNU phát biểu

Các nghiên cứu sinh trình bày nghiên cứu tại seminar
Seminar được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn học thuật cho các nghiên cứu sinh và giảng viên của Trường Đại học Quy Nhơn, nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất gắn với các lĩnh vực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững. Đồng thời, sự kiện cũng thúc đẩy trao đổi học thuật liên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, vật liệu tiên tiến, môi trường và biến đổi khí hậu – những vấn đề có tính thời sự và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Phiên buổi sáng, seminar tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp, với các báo cáo khoa học xoay quanh cây sầu riêng và bơ – hai loại cây trồng chủ lực tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các nghiên cứu sinh đã trình bày những kết quả bước đầu về công nghệ sau thu hoạch giúp kéo dài thời gian bảo quản và hạn sử dụng của trái sầu riêng; tối ưu hóa quá trình thụ tinh và đậu quả của sầu riêng; nghiên cứu phân lập và định danh nấm gây bệnh thối thân trên cây sầu riêng; đặc điểm nấm gây bệnh trên quả bơ và các biện pháp phòng ngừa tổn thất sau thu hoạch. Những nghiên cứu này không chỉ có giá trị khoa học, mà còn mang lại giải pháp thực tiễn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Các nghiên cứu sinh thuộc các dự án 2, dự án 1 trình bày trong phiên buổi chiều
Trong phiên buổi chiều, seminar tiếp tục với các chủ đề về vật liệu tiên tiến và môi trường. Các báo cáo tập trung vào việc tăng cường hiệu ứng plasmonic và đặc tính nhiệt sắc của vật liệu VO₂ ứng dụng trong kính thông minh, nghiên cứu vật liệu nano sắt oxide để thu giữ khí hydrogen sulfide từ khí sinh học, và đánh giá nguy cơ lũ lụt tại các lưu vực sông Kôn và sông Kỳ Lộ. Những nghiên cứu này góp phần đưa ra các giải pháp khoa học phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Vũ Thị Ngân nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác liên ngành và quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy và đóng góp thiết thực cho sự phát triển của địa phương và quốc gia.

Các báo cáo tại seminar nhận được sự quan tâm từ các nhà khoa học, giảng viên QNU
Seminar “Khoa học vì sự phát triển bền vững” không chỉ là một hoạt động học thuật đơn thuần, mà còn thể hiện tinh thần nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học, đổi mới, sáng tạo và hội nhập của Trường Đại học Quy Nhơn. Thông qua Chương trình IUC-QNU, Nhà trường đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm tri thức khu vực, góp phần chuyển giao công nghệ và tri thức phục vụ phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Minh Hiền