KHCN-HTQT - Trong xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, công tác hợp tác quốc tế của các trường đại học diễn ra như một tất yếu khách quan và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển của các trường đại học trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Quang cảnh đại hội
Trong hai ngày 11-12/10, tại Phnom Penh (Campuchia) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Văn phòng của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đại hội đồng lần thứ 14 của Hội nghị Hiệu trưởng các đơn vị thành viên AUF trong khu vực (CONFRASIE). Đây là sự kiện lớn được tổ chức tại Viện Công nghệ ITC, Vương quốc Campuchia, quy tụ gần 100 đại biểu là lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đến từ 88 trường ĐH và các tổ chức giáo dục, nghiên cứu của 11 quốc gia thành viên AUF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đại diện Trường Đại học Quy Nhơn, Hiệu trưởng PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ, tham dự sự kiện.
Với chủ đề “Pháp ngữ khoa học-Đòn bẩy tăng cường sức hấp dẫn và quốc tế hóa giáo dục ĐH tại Châu Á-Thái Bình Dương”, Đại hội lần này hướng tới các mục tiêu như: Tăng cường hợp tác trong mạng lưới Cộng đồng khoa học AUF, qua đó thúc đẩy kết nối, trao đổi chuyên gia; thể chế hóa các hoạt động hợp tác, chia sẻ nguồn nhân lực Pháp ngữ và đẩy mạnh trao đổi giảng viên, sinh viên. Tổ chức và tham gia các chương trình dành cho các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục; Hỗ trợ, thúc đẩy xuất bản các ấn phẩm khoa học (bằng tiếng Pháp); Chuẩn hóa chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH và nghiên cứu; Phổ biến, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục; Phát triển năng lực nghề nghiệp, khởi nghiệp cho giới trẻ…
Tại Phiên khai mạc, GS. Slim Khalbous-Tổng Giám đốc AUF toàn cầu (lãnh đạo cấp cao của AUF có bài phát biểu quan trọng khẳng định CONFRASIE là Diễn đàn khu vực có vai trò nòng cốt thúc đẩy phát triển giáo dục đại học và nghiên cứu, đề xuất định hướng chiến lược cho sự phát triển chung của khu vực, kết nối toàn cầu.
Đại diện các Trường tham dự đại hội
Kể từ năm 2023, mô hình CONFRASIE của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chính thức được thay thế bởi mô hình mới có tên gọi là C2R-AP với cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động mới.
Qua hai phiên thảo luận chuyên đề Khởi nghiệp ở trường đại học và Cơ hội trao đổi sinh viên trong cộng đồng Pháp ngữ, một số khuyến nghị sẽ được gửi đến các cơ quan chính trị giáo dục, hiệu trưởng đại học, giới kinh doanh, sinh viên và Ban Giám đốc khu vực của AUF, trong đó tập trung vào việc nâng cao khả năng tuyển dụng và phổ biến tinh thần khởi nghiệp trong các chương trình đào tạo đại học. Chương trình đã được thử nghiệm ở các khu vực trực thuộc khác của AUF như Châu Phi, Trung Đông và Caribe với sự công nhận danh hiệu “sinh viên khởi nghiệp”, qua đó mở ra cơ hội tiếp cận giữa sinh viên, trường đại học và doanh nghiệp. Ngoài ra, hội thảo cũng đưa ra nhóm khuyến nghị về hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế, đặc biệt là dự án PIMEF của AUF với mục tiêu xây dựng nền tảng số để hỗ trợ hoạt động liên kết trao đổi trong không gian Pháp ngữ.
Hội nghị diễn ra với sự góp mặt của ông Hang Chuon Naron, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia; bà Phoeurng Sackona, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Mỹ thuật Campuchia; ông Om Romny, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia; ông Chhiv Yiseang, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia; ông Kingmano Phommahaxay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào. Về phía AUF có sự góp mặt của ông Slim Khalbous, Tổng Giám đốc AUF và ông Laurent Sermet, Giám đốc AUF - khu vực Châu Á Thái Bình Dương. |
Trần Anh Hà