IUC-QNU - Từ ngày 20 đến ngày 29/8, đoàn lãnh đạo của Trường Đại học Quy Nhơn đã có chuyến thăm và làm việc tại 03 trường đại học nghiên cứu và 02 đại học ứng dụng hàng đầu của Vương quốc Bỉ. Hoạt động này nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Quy Nhơn và các đối tác trong Chương trình “Hợp tác thể chế đại học” (Institutional University Cooperation - IUC) do tổ chức VLIR-UOS (Vương quốc Bỉ) tài trợ.
Chương trình IUC-QNU – Nâng cao năng lực trong nhiều lĩnh vực
IUC-QNU là một chương trình hợp tác quốc tế quan trọng nhằm nâng cao năng lực tổng thể của Nhà trường với sự trợ giúp học thuật từ các trường đại học vùng Flanders của Vương quốc Bỉ và trợ giúp tài chính từ Chính phủ Bỉ. Chương trình này có mục đích kép là cải thiện bền vững sinh kế cùng điều kiện sống của cư dân các tỉnh duyên hải Miền Trung - Tây Nguyên ở Việt Nam và nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu cùng với năng lực phục vụ cộng đồng của Trường Đại học Quy Nhơn trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, môi trường và năng lượng tái tạo. Điểm khác biệt với các chương trình hợp tác trước đây, chương trình IUC không chỉ tập trung vào đào tạo, nghiên cứu, mà còn giải quyết các vấn đề cấp trường và tổ chức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra tại địa phương.
Trong 07 dự án thuộc chương trình IUC-QNU, có 02 dự án nâng cao năng lực thể chế Trường Đại học Quy Nhơn nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành và phục vụ sinh viên của Nhà trường thông qua việc cung cấp dịch vụ số hóa cho sinh viên, E-learning, thư viện và cải thiện an toàn, quản lý phòng thí nghiệm, xây dựng hệ thống quản lý chất thải bền vững của Trường Đại học Quy Nhơn. 05 dự án còn lại là các dự án nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong đào tạo và phục vụ cộng đồng của Trường, áp dụng các sản phẩm khoa học công nghệ nâng cao khả năng thích ứng của cộng đồng trong các lĩnh vực về thiên tai; cải thiện các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt ở các vùng nông thôn; cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng; nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập của nông dân trồng trái cây (bơ, sầu riêng, thanh long, táo ta) tại các địa phương trong khu vực duyên hải Miền Trung – Tây Nguyên.
Trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ các đại học hàng đầu tại Bỉ
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn công tác Trường Đại học Quy Nhơn đã làm việc với các đối tác tại 03 trường đại học lớn của Bỉ, bao gồm Đại học KU Leuven, Đại học Hasselt, Đại học Ghent, cùng với 02 trường đại học ứng dụng là HOGENT và VIVES. Ngoài mục tiêu trao đổi chuyên môn, đoàn công tác đã có cơ hội đúc kết, học hỏi mô hình hệ thống công nghệ thông tin, quản lý học tập và quản lý phòng thí nghiệm từ các đối tác tại Bỉ.
Làm việc cùng Đại học KU Leuven, đoàn công tác được giới thiệu về cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin (IT), hệ thống LMS và các dịch vụ E-service cho sinh viên từ quá trình nhập học đến khi tốt nghiệp. Đoàn cũng thảo luận với các chuyên gia tại đây về quản lý nhân sự và phòng thí nghiệm, đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa QNU và Đại học KU Leuven.
Tiếp tục chương trình, đoàn đã đến thăm và làm việc tại Đại học Hasselt, tham quan Tháp Khoa học và Thư viện trung tâm. Đồng thời, đoàn công tác QNU cũng đã thảo luận về các dự án hợp tác tiềm năng trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực IT và E-learning với đại diện Đại học Hasselt.
Tại Đại học ứng dụng HOGENT, đoàn tham quan thư viện, các phòng thí nghiệm hóa học, sinh học và thảo luận về các quy định, chính sách quản lý phòng thí nghiệm. Cùng ngày, đoàn công tác làm việc với Đại học Ghent, tập trung vào các cơ hội hợp tác nghiên cứu và phát triển, trao đổi sinh viên.
Chuyến công tác kết thúc với buổi làm việc tại Đại học ứng dụng VIVES, đoàn tham quan hệ thống E-learning và học tập kết hợp (Blended learning), đồng thời thảo luận về các kế hoạch hợp tác trong tương lai.
Trong vòng 01 tuần làm việc, các lãnh đạo và viên chức thuộc đoàn công tác đã có thời gian trao đổi trong nhiều lĩnh vực cùng các trường đại học hàng đầu của Vương quốc Bỉ. Chuyến công tác không chỉ tập trung vào nâng cao năng lực quản lý công nghệ thông tin và phòng thí nghiệm mà còn liên quan mật thiết đến việc phát triển toàn diện 05 dự án nghiên cứu khoa học khác tại Trường Đại học Quy Nhơn, tạo cơ hội mở rộng hợp tác nghiên cứu và đào tạo trong nhiều lĩnh vực.
Những kết quả từ chuyến công tác sẽ được tích hợp vào các chương trình đào tạo, tạo cơ hội cho sinh viên và giảng viên tham gia vào các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giải quyết các thách thức thực tiễn của địa phương và quốc gia. Đặc biệt, việc hợp tác với các trường đại học hàng đầu của Bỉ sẽ giúp Trường Đại học Quy Nhơn tiếp cận với nguồn tri thức và công nghệ tiên tiến, thúc đẩy môi trường học thuật năng động và sáng tạo, từ đó thu hút thêm nhiều sinh viên tài năng. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Nhà trường trên bản đồ giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế. Để biết thêm các thông tin chi tiết về Chương trình IUC-QNU, vui lòng truy cập tại đây.
Xem chi tiết và tải ảnh tại đây.
Nguyễn Thành Đạt
Vũ Thị Ngân