SHL- Trong 02 ngày 10/4 và 11/4, Trường Đại học Quy Nhơn đã phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội – Thường trực Câu lạc bộ (CLB) và các trường thành viên CLB tổ chức Hội thảo Câu lạc bộ Khoa học và Công nghệ các trường đại học kỹ thuật lần thứ 60 năm 2025.
Hội thảo CLB Khoa học và Công nghệ các trường đại học kỹ thuật lần thứ 60 với chủ đề: “Gắn kết trong nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ giữa các trường đại học kỹ thuật lần thứ 60”. Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu trong CLB để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng. Đồng thời, thông qua hội thảo, các đơn vị trong CLB đề xuất các giải pháp phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ trong các trường đại học kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và đất nước.

PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào mừng
Phát biểu chào mừng tại hội thảo, PGS.TS. Đoàn Đức Tùng - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định, với vai trò là trung tâm tri thức, các trường đại học, học viện cần chủ động kết nối nghiên cứu với thực tiễn, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và địa phương, góp phần giải quyết những bài toán của xã hội và phát triển bền vững của đất nước. PGS.TS. Đoàn Đức Tùng cho biết, hội thảo lần này sẽ là diễn đàn để các trường thành viên trao đổi kinh nghiệm về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình hợp tác hiệu quả giữa trường - viện - doanh nghiệp, thảo luận các chính sách thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, đồng thời góp phần cụ thể hóa các mục tiêu trong Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Việc đăng cai tổ chức hội thảo lần thứ 60 sẽ là cơ hội để Trường Đại học Quy Nhơn tiếp tục khẳng định vai trò kết nối, chia sẻ, học hỏi và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của CLB cũng như hệ thống giáo dục Việt Nam. PGS.TS. Đoàn Đức Tùng kỳ vọng, từ hội thảo lần này sẽ có thêm nhiều sáng kiến, mô hình hợp tác và sản phẩm khoa học công nghệ thiết thực, mở ra hướng đi mới cho các trường thành viên trong CLB, doanh nghiệp và cộng đồng.

Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phát biểu
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhấn mạnh đất nước đang trong bối cảnh của cuộc cách mạng chuyển đổi số. Lần đầu tiên tại Nghị quyết 57-NQ/TW, khoa học, công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí "đột phá quan trọng hàng đầu" với những mục tiêu cùng các giải pháp quyết liệt. Ông Đỗ Tiến Thịnh mong muốn thông qua hội thảo lần này, các trường thành viên trong CLB có thể trao đổi, tiếp tục tìm ra các điểm “nghẽn” để cùng đưa ra đề xuất phù hợp với bối cảnh hiện nay. Với vai trò của mình, ông Đỗ Tiến Thịnh cam kết sẽ luôn đồng hành với CLB, tham gia vào nghiên cứu lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng, Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD&ĐT phát biểu
Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng, Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng đã và đang được chú trọng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã áp dụng học bạ số từ cấp tiểu học đến THPT ở tất cả các địa phương. Riêng các trường đại học, thời gian tới sẽ hướng đến việc áp dụng hình thức văn bằng số.
Hội thảo lần thứ 60 đã thu hút 41 bài viết của các nhà quản lý, nhà khoa học. Các bài viết thể hiện những nội dung được các nhà khoa học chuẩn bị công phu, có sức thuyết phục, mang nhiều giá trị khoa học và thực tiễn.

Các báo cáo trình bày tham luận tại phiên họp toàn thể
Hội thảo được tổ chức thành 03 phiên: Phiên tham quan thực tế, Phiên họp toàn thể và Phiên họp CLB. Trong Phiên tham quan thực tế, các đại biểu đã đi tham quan các trung tâm khoa học, công ty công nghệ trong Khu đô thị Khoa học Quy Hòa, TP. Quy Nhơn. Tại Phiên họp toàn thể, các đại biểu đã lắng nghe và tập trung thảo luận về 4 báo cáo quan trọng từ các trường thành viên và công ty công nghệ về mô hình hợp tác đại học – doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, đưa sản phẩm nghiên cứu đến với doanh nghiệp, hệ thống quản lý văn bản và điều hành dành cho các trường đại học, hệ sinh thái đại học số. Trường Đại học Quy Nhơn tham gia báo cáo tham luận về “Hoạt động Khoa học và công nghệ Trường Đại học Quy Nhơn: định hướng phát triển và hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao”.
.JPG)
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) - Đại học Bách Khoa Hà Nội và Nhóm trường thành viên thuộc mạng lưới G32 cùng ký kết hợp tác
Tiếp nối chương trình, phiên họp CLB diễn ra vào chiều cùng ngày có các tham luận về đề xuất định hướng hoạt động khoa học công nghệ của CLB theo Nghị Quyết số 57-NQ/TW, nâng cao năng lực tiếng Anh sử dụng Công nghệ AI. Tại phiên họp này, các đại biểu tham dự cùng chứng kiến Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) - Đại học Bách Khoa Hà Nội và Nhóm trường thành viên thuộc mạng lưới G32.

Hội thảo kết nạp 3 trường thành viên gia nhập CLB
Tại hội thảo, CLB cũng kết nạp thêm 03 trường thành viên mới (Trường Đại học Công thương TP. HCM, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì và Trường Đại học Đại Nam), nâng tổng số thành viên của CLB lên 32. Năm 2026, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo CLB Khoa học và công nghệ các trường đại học kỹ thuật lần thứ 61.

TS. Hà Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao biểu trưng cho đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội
Nhân dịp hội thảo lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng có buổi gặp mặt lãnh đạo các trường đại học thành viên trong CLB vào chiều ngày 11/4/2025, nhằm tăng cường kết nối, trao đổi và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định gặp mặt, trao đổi với lãnh đạo các trường đại học thành viên trong CLB
Sau 02 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, hội thảo đã hoàn thành nội dung, chương trình đã đề ra và thành công tốt đẹp.
Câu lạc bộ Khoa học - Công nghệ các trường đại học kỹ thuật được thành lập từ năm 1992. Đến nay, CLB có sự tham gia của 32 trường, viện trong cả nước. Mục đích của CLB là nhằm tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các trường đại học kỹ thuật trong hoạt động khoa học công nghệ và khai thác tiềm năng khoa học công nghệ của mỗi trường phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tham dự hội thảo có Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng, Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD&ĐT; Ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Bình Định, Sở Công thương Bình Định, Sở GD&ĐT Bình Định, Liên hiệp hội KHKT Bình Định; đại các doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghệ TMA, Tập đoàn PNE, Công ty TNHH Kurz Việt Nam, Công ty CP Becamex Bình Định, Công Ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định, Tổ chức EMG education và ICDL Việt Nam, FPT Software Quy Nhơn, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bình Định; GS.TSKH. Mai Thanh Tân - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất, sáng lập viên CLB; PGS.TS. Trần Văn Lộc – Nguyên Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Học viện Kỹ thuật quân sự, sáng lập viên CLB; đại diện lãnh đạo các trường thành viên trong CLB các trường đại học về kỹ thuật.
Về phía Nhà trường có PGS.TS. Đoàn Đức Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐHQN, Trưởng BTC Hội thảo; PGS.TS. Nguyễn Quang Ngoạn – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Nguyên Bí thư Đảng uỷ, Nguyên Hiệu trưởng; Công đoàn Trường; lãnh đạo các Khoa, Phòng, Viện, Trung tâm của Trường, viên chức và sinh viên Nhà trường.
|
Minh Hiền
P. KHCN&HTQT