IUC - Từ ngày 26/8 đến ngày 28/8, chương trình Tập huấn về hệ thống đảm bảo các bên cùng tham gia tại Trường Đại học Quy Nhơn trong khuôn khổ Dự án số 5 thuộc Chương trình IUC-QNU đã diễn ra tại Phòng học thông minh thuộc Trường. Chương trình tập huấn đã có sự tham gia của các chuyên gia, trợ giảng đến từ Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) và giảng viên đến từ các Khoa, bộ môn.
Chương trình “Tập huấn về hệ thống đảm bảo các bên cùng tham gia tại Trường Đại học Quy Nhơn” là hoạt động nhằm cung cấp kiến thức về hệ thống đảm bảo các bên cùng tham gia (Participatory Guarantee Systems - PGS), đồng thời hướng dẫn xây dựng hệ thống PGS tại các địa phương thuộc vùng nghiên cứu của Dự án 5.
Bà Từ Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) chia sẻ về PGS tại chương trình tập huấn
Ngoài các giảng viên là thành viên của Dự án số 5, chương trình tập huấn còn có sự tham gia của thành viên đến từ Dự án số 2 và số 3, cùng thuộc Chương trình IUC-QNU. Mục tiêu chung của các dự án nói trên đều hướng tới tăng cường hiệu quả và chất lượng trong trồng trọt nông sản; cải thiện và quản trị các rủi ro trong quá trình trồng trọt, thu hoạch và hướng tới các giải pháp mang tính bền vững, nâng cao sinh kế cho nông dân tại các địa phương. Do đó, chương trình tập huấn đóng vai trò không nhỏ trong việc cung cấp các kiến thức về PGS và cải thiện quá trình đóng góp từ các tổ chức và nhà nông vào quy trình sản xuất và cung ứng sản phẩm hữu cơ.
Chuyên gia và trợ giảng đến từ CODAS và Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam
Với thời gian 03 ngày, các thành viên thuộc các dự án đã được cung cấp các thông tin đến từ Bà Từ Thị Tuyết Nhung & Ông Vũ Đình Cường - 02 chuyên gia thuộc Trung tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ (CODAS) và Bà Trần Thị Hoa - Trợ giảng thuộc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA). Đây là đơn vị được thành lập từ năm 2017, trực thuộc Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và tập hợp các chuyên gia đầu ngành Nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ các Hội viên Hiệp hội, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, thương mại… xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm hữu cơ.
Tại buổi tập huấn, Bà Từ Thị Tuyết Nhung - PGĐ CODAS, Nguyên Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, cùng các cộng sự đã có những chia sẻ vô cùng bổ ích về PGS, cũng như tầm quan trọng của hệ thống này trong canh tác và sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Những kiến thức được cung cấp thông qua buổi tập huấn có thể kể đến như các bước thành lập PGS; cơ cấu tổ chức và các chức năng của PGS; bộ công cụ vận hành (đầu vào, thanh tra giám sát, cấp chứng nhận, ghi chép sổ sách, bao gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, xử lý khiếu nại…); phương pháp vận hành PGS…
Chương trình tập huấn kéo dài trong 03 ngày và mang lại nhiều kiến thức bổ ích về PGS cho thành viên đến từ các dự án
Các thành viên tham gia tập huấn nhận giấy chứng nhận
Kết thúc chương trình tập huấn, thành viên đến từ các dự án đã đúc kết được những kinh nghiệm sâu sắc về PGS và góp phần hoàn thiện trong việc thực hành giảng, lập kế hoạch hành động… khi áp dụng PGS vào thực tiễn của các dự án.
Xem và tải ảnh tại đây.
Bảo Thuận
Dự án 5 (IUC-QNU)