ICT - Nhằm tạo tiền đề, giúp sinh viên có thêm động lực, kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp, nhiều năm qua QNU luôn quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho sinh viên. Qua đó, tạo dựng tư duy khởi nghiệp, khơi dậy đam mê và ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.
Tại QNU, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp không dừng lại ở phong trào mà là các chương trình thiết thực từ các hội thảo, chuyên đề, các hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi khởi nghiệp các cấp dành cho sinh viên như Cuộc thi Sinh viên QNU với ý tưởng khởi nghiệp, Unesco Unitwin về kỹ năng khởi nghiệp kỹ thuật số … Các hoạt động, chương trình khởi nghiệp giúp sinh viên QNU năng động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự học, trải nghiệm và khám phá năng lực nghiên cứu, góp phần tạo ra tri thức, sản phẩm có tính ứng dụng cho xã hội.
Từ đam mê cây cảnh trang trí đến ý tưởng khởi nghiệp
Với ý tưởng "Địa cầu xanh”, Đỗ Minh Tú - sinh viên K46 ngành Nông học cùng Huỳnh Hữu Thịnh - sinh viên ngành Quản lý đất đai k45 đã vượt qua hơn 30 ý tưởng của các bạn sinh viên trong toàn trường, giành giải Nhất tại cuộc thi Sinh viên QNU với ý tưởng khởi nghiệp năm học 2023-2024.
Được biết, trong quá trình thực hiện ý tưởng, bên cạnh những thuận lợi Minh Tú gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn nhất là kinh nghiệm nghiên cứu chưa có nhiều. Chia sẻ thông tin về ý tưởng, Minh Tú cho biết: “Là sinh viên ngành Nông học, em được trang bị nhiều kiến thức về chăm sóc cây trồng cũng như có đam mê về cây cảnh trang trí. Ý tưởng dự án Địa cầu xanh được bắt đầu khi em tham gia hoạt động trang trí gian hàng chào tân sinh viên k46. Sau khi trang trí gian hàng, thầy cô có định hướng em mang ý tưởng này đi thi khởi nghiệp”.
Điểm khác biệt của dự án đó là sử dụng phân hữu cơ vi sinh để giúp cho cây ngừa bệnh và phát triển tốt ngoài ra sản phẩm còn sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường như: đất trồng, sơ dừa, phân hữu cơ vi sinh, rêu khô, chỉ cotton và cây giống.
Sau thành công tại cuộc thi Sinh viên QNU với ý tưởng khởi nghiệp, ý tưởng tiếp tục chinh phục các sân chơi khởi nghiệp cấp tỉnh
Theo Đỗ Minh Tú, sản phẩm không cần quá nhiều thời gian để chăm sóc bởi nhóm đã sử dụng phân vi sinh vật, ngoài ra Minh Tú và nhóm thực hiện còn lựa chọn những loại cây phù hợp với từng không gian như văn phòng, ban công, bàn ngoài trời. Hiện dự án Xanh đang được đăng ký dự thi "Sáng tạo trẻ trong học sinh, sinh viên năm 2024" do Tỉnh Bình Định tổ chức và cuộc thi "Thử thách sáng tạo để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa" năm 2024 do Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức.
Ứng dụng kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến
Với ý tưởng “Virtual try-on clothes” (Ứng dụng thử đồ ảo), Lê Kim Chi cùng nhóm sinh viên thực hiện đã xuất sắc giành giải Nhất tại Khóa tập huấn kỹ năng khởi nghiệp kỹ thuật số (Unesco Unitwin) năm 2024.
Ý tưởng Ứng dụng thử đồ ảo đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến
Để hoàn thiện ý tưởng, Kim Chi và các bạn trong nhóm đã cùng nhau mở một cuộc khảo sát mở rộng về vấn đề mức độ quan tâm của khách hàng đến ứng dụng mua sắm trực tuyến. Sau khi khảo sát, cả nhóm nhận thấy những bất tiện mà khách hàng thường gặp phải khi mua sắm trực tuyến như kích cỡ không phù hợp, chất lượng sản phẩm không đúng như mong đợi, quy trình đổi trả phức tạp và đã quyết định xây dựng một ứng dụng mô phỏng thời trang ảo. Ứng dụng cho phép người dùng thử đồ ảo trên một mô hình 3D được tùy chỉnh đến 80% giống với cơ thể thực, người dùng có thể điều chỉnh các tính năng màu da, tóc, hình dáng, gương mặt… Đồng thời, ứng dụng này cũng áp dụng mô hình kinh doanh B2B (liên kết với các cửa hàng bán lẻ) để quảng bá sản phẩm và khách hàng có thể mua sản phẩm ngay tại thời điểm thử đồ ảo trên ứng dụng.
Ý tưởng dự án được phát triển bởi 4 nữ sinh viên QNU
Chia sẻ về ý tưởng này, Kim Chi cho biết “Nhóm chúng em tin rằng công nghệ này sẽ mang lại một trải nghiệm mua sắm trực tuyến cá nhân hóa, tiện lợi và thú vị hơn, đồng thời giảm thiểu rủi ro và nâng cao sự hài lòng của khách hàng, tạo ra một cầu nối hoàn hảo giữa mua sắm trực tuyến và trải nghiệm mua sắm thực tế."
Những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên QNU đều ứng dụng kiến thức chuyên ngành và bắt kịp xu thế ứng dụng công nghệ 4.0, đem đến những sản phẩm gần với thực tiễn. Thông qua các sân chơi đổi mới sáng tạo – khởi nghiệp trong Nhà trường, các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên có thể kết nối với chuyên gia và doanh nghiệp để phát triển thành những dự án tiềm năng, mang lại giá trị cho bản thân mỗi sinh viên và cộng đồng xã hội.
Minh Hiền