Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, cơ sở Đại học Sư phạm Quy Nhơn được thành lập theo Quyết định số 1842/QĐ ngày 21/12/1977 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Hơn 4 năm sau, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 02/HĐBT ngày 13/7/1981 thành lập Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ngày 30/10/2003, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 221/2003/QĐ-TTg đổi tên thành Trường Đại học Quy Nhơn để xây dựng trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo, vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Quy Nhơn đã lớn mạnh không ngừng, cả về quy mô, lĩnh vực đào tạo lẫn trình độ và chất lượng đào tạo, cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, viên chức... Hiện nay, Trường có 13 khoa, bộ môn, đào tạo 46 ngành thuộc các khối sư phạm, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế - tài chính, kỹ thuật và công nghệ, với quy mô xấp xỉ 15.000 sinh viên chính quy. Trường đã và đang đào tạo 25 ngành/chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 03 chuyên ngành trình độ tiến sĩ với quy mô hơn 1.000 học viên, NCS. Ngoài ra, Trường còn đào tạo đại học, sau đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho nhiều lưu học sinh Lào thuộc các tỉnh Attapư, Chămpasắc, Salavan và Sekon. Trường Đại học Quy Nhơn đến nay đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy và có uy tín, thương hiệu trong xã hội.
Đội ngũ giảng viên, viên chức của Nhà trường cũng đã trưởng thành nhanh chóng. Hiện nay, Nhà trường có 720 viên chức, người lao động; trong đó có 502 giảng viên với 01 GS, 22 PGS;197 TS; 65 NCS trong và ngoài nước. Đây là nguồn lực dồi dào, là nền móng vững chắc đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Là một trường đại học công lập lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ; phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang nhận được nhiều tài trợ cho các dự án tăng cường năng lực và nghiên cứu khoa học từ các tổ chức quốc tế như Uỷ ban châu Âu (European Commission); Tổ chức Hợp tác phát triển đại học (VLIR-UOS), Cơ quan phát triển Bỉ (BTC); Viện hàn lâm khoa học thế giới (TWAS), Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST); FHI360 (Hoa Kỳ)... Thông qua các dự án này, uy tín và vị thế Nhà trường được nâng cao trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngoài ra, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang đẩy mạnh công tác tổ chức các nghị, hội thảo, chuyên đề khoa học quốc tế để tăng cường sự giao lưu, kết nối, hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học uy tín. Nhiều công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí uy tín cả trong nước và quốc tế.
Trường Đại học Quy Nhơn hiện đang chủ trì nhiều chương trình, đề tài cấp Quốc gia, cấp Bộ, cấp Tỉnh. Nghiên cứu khoa học cơ bản là lĩnh vực thế mạnh của Nhà Trường, và số lượng đề tài thực hiện trong lĩnh vực này ngày càng tăng nhanh chóng. Nhiều giảng viên của Trường trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã chủ nhiệm các chương trình, đề tài cấp Nhà nước, cấp Quốc gia thuộc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted). Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và địa phương để giải quyết các vấn đề thực tiễn nảy sinh. Ngoài ra, trong giai đoạn 5 năm qua Nhà trường đã ký kết hợp tác với Trường Đại học KU Leuven chủ trì thực hiện 04 dự án do Vương quốc Bỉ tài trợ.
Trong 5 năm, giai đoạn 2016-2020, Trường đã có 436 đề tài NCKH của sinh viên và thu hút gần 1456 sinh viên tham gia thực hiện nghiên cứu. Trong số đó có 117 đề tài đạt giải thưởng sinh viên NCKH cấp Trường, 13 đề tài đạt giải sinh viên NCKH cấp Bộ và 06 đề tài đạt giải sinh viên NCKH Euréka. Đáng chú ý có nhiều đề tài đạt giải cao như giải Nhất, giải Nhì cấp Bộ GD&ĐT. Hơn nữa, chất lượng nghiên cứu của các đề tài ngày càng được nâng cao, thể hiện ở việc ngày càng có nhiều bài báo công bố kết quả nghiên cứu của đề tài trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế, các tạp chí thuộc danh mục Scopus; và ngày càng có nhiều sản phẩm của đề tài là các mô hình, pilot có khả năng ứng dụng cao và giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, địa phương.
45 năm qua, Trường đã đào tạo gần 90.000 sinh viên chính quy và không chính quy, hơn 2.500 học viên cao học, NCS trong và ngoài nước tốt nghiệp ra trường; đào tạo trình độ đại học, sau đại học; bồi dưỡng, cấp chứng chỉ chương trình học tiếng Việt cho hàng trăm lưu học sinh Lào. Nhiều sinh viên, học viên qua các thế hệ ra trường đã và đang giữ những vị trí quan trọng ở Trung ương và địa phương. Với kết quả đào tạo hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, Trường Đại học Quy Nhơn đã đóng góp đáng kể vào việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với những thành tích nổi bật trên, Nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1992), hạng Hai (năm 1997) và hạng Nhất (năm 2002), Huân chương Độc lập hạng Ba (2007). Công đoàn Trường được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997) và hạng Hai (năm 2007). Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trường được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1999). Ngoài ra, Nhà trường, Công đoàn và Đoàn Thanh niên nhà trường còn được tặng thưởng nhiều Cờ thi đua và Bằng khen của các cấp... Đây là những phần thưởng cao quý, có ý nghĩa to lớn, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc, sự phát triển toàn diện và ngày càng lớn mạnh của Nhà trường.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Trường Đại học Quy Nhơn đã không ngừng phấn đấu vượt qua những khó khăn thử thách, vươn lên trở thành một trong những trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đảm bảo chuẩn chất lượng, một trong những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các lĩnh vực khoa học - công nghệ, trung tâm văn hóa, giáo dục của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Những thành tựu to lớn mà Nhà trường đã đạt được là sự kết tinh của những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ của các thế hệ lãnh đạo Nhà trường, của tất cả các giảng viên, viên chức cùng toàn thể sinh viên, học viên trong toàn trường. Đó còn là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo sâu sát kịp thời, có hiệu quả của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, sự phối hợp giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành hữu quan, của Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong khu vực và cả nước, của các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục - đào tạo trong và ngoài nước, nhất là sự ủng hộ, sự tín nhiệm, tin cậy của đồng bào, nhân dân các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước...
Bước vào giai đoạn mới với những thách thức và cơ hội mới, phát huy những thành quả đạt được, Trường Đại học Quy Nhơn quyết tâm phấn đấu vượt qua những khó khăn, trở ngại, tiếp tục xây dựng và phát triển bền vững để trở thành một trong những trường đại học ứng dụng định hướng nghiên cứu trọng điểm của khu vực miền Trung, Tây Nguyên, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước./.
QNU