Là một trường đại học đa ngành, có uy tín, phát triển theo định hướng ứng dụng, Trường Đại học Quy Nhơn xác định việc phát triển nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính. Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) tại trường đã và đang phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu xã hội trong việc ứng dụng những tri thức khoa học vào thực tiễn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ sinh học, du lịch xanh, hóa học …
Hoạt động khoa học công nghệ phát triển nhanh về chất lượng và số lượng
Thời gian qua, hoạt động KHCN của Trường Đại học Quy Nhơn phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Trong 5 năm gần đây, số lượng nhiệm vụ KHCN các cấp, các bài báo khoa học của Trường được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc gia và quốc tế luôn được duy trì ở mức cao và không ngừng phát triển. Năm 2023, Trường chủ trì thực hiện hơn 62 nhiệm vụ KHCN các cấp và công bố hơn 314 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Các nhiệm vụ khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội trong nhiều lĩnh vực
Nhà trường chủ trì nhiều chương trình, nhiệm vụ KHCN có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, không chỉ đóng góp vào việc phát triển khoa học và công nghệ mà còn góp phần tạo ra những giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
QNU có nhiều phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học
Trong lĩnh vực về công nghệ sinh học, xuất phát từ nhu cầu xử lý bùn thải thủy sản không nguy hại của Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, nhóm nghiên cứu của PGS.TSKH. Nguyễn Thị Mộng Điệp, Trưởng Bộ môn Sinh học ứng dụng – Nông nghiệp, Khoa KHTN đã nghiên cứu thử nghiệm và cho ra đời chế phẩm vi sinh Microlife DHT – là sản phẩm được nghiên cứu tại Trường Đại học Quy Nhơn. Xử lý bùn thải bằng chế phẩm vi sinh Microlife DHT là một giải pháp hữu hiệu mang lại lợi kích kép, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra phân hữu cơ sử dụng cho canh tác nông nghiệp nhằm giảm thiểu sử dụng các loại phân bón vô cơ, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững trong tương lai. Ngoài ra, chế phẩm vi sinh Microlife DHT cũng được đưa vào triển khai, xử lý rác hữu cơ tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định).
PGS.TS. Nguyễn Hữu Xuân trình bày kết quả nghiên cứu tại tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài về xây dựng mô hình du lịch cộng đồng
Trong lĩnh vực về du lịch xanh, bền vững, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Hữu Xuân (Bộ môn Địa lý - Quản lý Tài nguyên Môi trường, Khoa KHTN) đã xây dựng, chuyển giao 2 mô hình du lịch cộng đồng với sản phẩm du lịch đặc thù gắn liền việc bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa và bộ tiêu chí du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm du lịch đặc thù địa phương của tỉnh Phú Yên. Bộ tiêu chí này có tính thực tiễn và ứng dụng, gắn với sản phẩm du lịch đặc thù có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước, giúp ngành du lịch tỉnh Phú Yên phát triển đúng hướng và bền vững, cải thiện đời sống người dân địa phương, đồng thời bảo vệ môi trường và tài nguyên văn hóa. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đặc thù gắn với bảo tồn rạn san hô Hòn Yến và quần thể gành Đá Đĩa” được các chuyên gia đánh giá cao về lợi ích và tính ứng dụng.
Về lĩnh vực vật liệu – phân bón, Nhà trường chủ trì đề tài “Nghiên cứu thu hồi và tách đất hiếm từ Mỏ nam Đề Gi để sản xuât phân bón vi lượng” thuộc chương trình trọng điểm Nhà nước về nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới KC.02/16-20, do PGS.TS. Cao Văn Hoàng (Khoa KHTN) làm chủ nhiệm. Với mục đích tạo ra một chế phẩm phân bón mới có hiệu quả cho cây trồng hạn chế sự ô nhiễm môi trường từ phụ phẩm trong quá trình khai thác titan, đề tài đã được ứng dụng ở các địa phương có nền nông nghiệp hữu cơ dạng nông trai như Đà Lạt, Gia Lai, Đăk Lăk.
Ngoài ra, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học khác cũng đã được đưa vào ứng dụng tại địa phương và cả nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực y tế, nông nghiệp, du lịch … như triển khai ứng dụng phần mềm OPAC phục vụ trong y khoa, ứng dụng phân bón nano trong trồng bắp nuôi bò sữa, nghiên cứu chiến lược truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, sứ mạng của Trường Đại học Quy Nhơn là nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ; phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt đối với khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội. Với những nỗ lực đổi mới và sáng tạo trong các hoạt động khoa học và công nghệ, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang dần khẳng định được vị thế của mình, gia tăng uy tín, lan tỏa và chuyển giao tri thức cộng đồng.
Minh Hiền
P.KHCN&HTQT